Cương vực Nhà_Minh

Tái bắc địa khu

Trong thời kỳ đầu, triều Minh nhiều lần tác chiến với Bắc Nguyên và sau là Thát Đát cùng Ngõa Lạt, đồng thời tại khu vực Mạc Nam đặt hơn 40 vệ sở phòng vệ, như Đông Thắng vệ, Vân Xuyên vệ đều là trọng địa biên phòng của triều đình, hướng của chúng vào khoảng tuyến Âm Sơn – sườn nam Đại Thanh Sơn – sông Tây Lạp Mộc Luân. Sau thập niên 30 của thế kỷ XV, do khí hậu chuyển lạnh, nông nghiệp giảm sút, trong "Tĩnh Nan chi dịch" quân đội biên cương bị Yên vương điều đi nơi khác, do đó biên giới dời một ít về phía nam. Trong những năm Vĩnh Lạc, quân Minh nhiều lần Bắc phạt, tình hình biên giới cải thiện trong một thời gian. Tuy nhiên, từ trung kỳ trở đi, Mông Cổ lại quật khởi, biên giới lại dời về phía nam. Cùng với dựng Trường Thành nhằm phòng ngự Mông Cổ, ven Trường Thành còn đặt "cửu biên" (Liêu Đông, Kế Châu, Tuyên Phủ, Đại Đồng, Diên Tuy, Ninh Hạ, Cam Túc, Thái Nguyên, Cố Nguyên) tăng cường phòng ngự. Trường Thành cũng trở thành biên giới phía bắc của triều Minh vào trung – hậu kỳ, đồng thời còn là giới tuyến giữa khu vực nông canh và khu vực du mục[52].

Đông bắc địa khu

Minh Thái Tổ đặt Liêu Đông đô ty để quản lý Liêu Đông, đồng thời nhiều lần tiến quân đến lưu vực Hắc Long Giang, chiêu phủ các bộ lạc địa phương, thế lực của triều đình Minh từng đạt đến Ngoại Hưng An Lĩnh (Stanovoy) và cửa sông của Hắc Long Giang, thậm chí đến tận đảo Khố Hiệt (Sakhalin). Năm Vĩnh Lạc thứ bảy (1409) thời Minh Thành Tổ, triều Minh đặt Nô Nhi Can đô ty tại khu vực Hắc Long Giang, song đây là cơ cấu không thường trực, không quản lý hơn 130 vệ sở tại Đông Bắc[17], đến năm Tuyên Đức thứ 9 (1434) thời Minh Tuyên Tông thì bị phế bỏ. Tuy nhiên, các vệ sở trên lãnh thổ này, và Liêu Đông đô ty vẫn tồn tại, để thi hành thống trị ki mi với địa phương. Sau những năm Chính Thống thời Minh Anh Tông, nhóm Ngột Lương Cáp thuộc Thát Đát và Kiến Châu Nữ Chân dời về phía nam, đồng thời không ngừng xâm phạm Liêu Đông đô ty. Năm Thành Hóa thứ năm (1469) thời Minh Hiến Tông, triều đình Minh cho dựng "Liêu Đông biên tường". Từ cuối thế kỷ XVI, thủ lĩnh Kiến Châu Nữ Chân là Nỗ Nhĩ Cáp Xích bắt đầu hưng khởi, thống nhất Nữ Chân, các vệ sở do triều đình Minh đặt dần tiêu vong. Năm Vạn Lịch thứ bốn mươi bốn (1616) thời Minh Thần Tông, Nỗ Nhĩ Cáp Xích xưng hãn, kiến quốc Đại Kim. Đến năm Vạn Lịch thứ bốn mươi bảy (1619), sau trận Tát Nhĩ Hử, quân Hậu Kim đột phá "Liêu Đông biên tường", chiếm lĩnh đại bộ phận lãnh thổ của Liêu Đông đô ty[52].

Tây bắc địa khu

Những năm Vĩnh Lạc thời Minh Thành Tổ, cương giới Tây Bắc đạt đến địa khu Cáp Mật tại đông bộ Tân Cương hiện nay, đồng thời đặt một loạt vệ sở. Sau thập niên 30 của thế kỷ XV, Thổ Lỗ Phồn và bộ lạc Thanh Hải Mông Cổ dần lớn mạnh. Năm 1472, thành Cáp Mật vệ từng bị Thổ Lỗ Phổn công phá, về sau khôi phục, đến năm 1514 lại bị chiếm. Sau nửa sau thế kỷ XV, các vệ sở tại Tây Bắc đều mất hết, quân Minh lui phòng thủ Gia Dục quan[52].

Tây nam địa khu

Năm Hồng Vũ thứ mười bốn (1381) thời Thái Tổ, triều Minh mới hoàn toàn chiếm lĩnh khu vực Vân Nam – Quý Châu, đồng thời đặt một loạt thổ ty, tuyên úy ty để quản lý, biên giới đạt đến bắc trung bộ của Miến Điện, bắc bộ Lào, bắc bộ Thái Lan ngày nay. Tuy nhiên, về sau các khu vực này bị các quốc gia xung quanh thôn tính. Năm Vĩnh Lạc thứ tư (1406) thời Thành Tổ, quân Minh tiến công An Nam, biên giới phía nam đến Nhật Nam châu, sang năm sau đặt An Nam bố chính ty, bên dưới đặt 15 phủ, 36 châu, hơn 200 huyện. Về sau do nhân dân địa phương phản kháng kịch liệt, triều đình Minh vào năm Tuyên Đức thứ hai (1427) thời Tuyên Tông phải từ bỏ, An Nam khôi phục và do vương triều Lê cai trị[52]. Tại khu vực Tây Tạng, triều đình Minh thi hành chính sách "đa phong chúng kiến", tuy nhiên còn có bất đồng về việc điều này có đại diện cho sự thống trị của triều Minh với Tây Tạng hay không.

Bành Hồ và Áo Môn

Đầu thời Minh, triều đình đặt Bành Hồ tuần kiểm ty để quản lý quần đảo Bành Hồ. Năm 1553, người Bồ Đào Nha thu được quyền đậu thuyền tại Áo Môn, đến năm Gia Tĩnh thứ ba mươi bảy (1557) thì có được quyền lưu cư, trước khi hai bên ký kết điều ước thông thương vào năm 1887 thì Trung Quốc luôn có chủ quyền với Áo Môn[52]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nhà_Minh http://www.ccnt.com.cn/china/history/history/ming/... http://www.china.com.cn/aboutchina/zhuanti/lddw/20... http://hxd.wenming.cn/kyjjcg/2009-08/12/content_39... http://china.chinaa2z.com/china/html/history%20and... http://www.chinaonlinemuseum.com/painting-masters.... http://ctdsb.cnhubei.com/html/ncxb/20090307/ncxb64... http://news.ifeng.com/history/1/jishi/200812/1225_... http://cul.qq.com/a/20150201/012239.htm http://www.saohua.com/shuku/History/06%E3%80%8A%E6... http://www.mnsu.edu/emuseum/prehistory/china/later...